Việc trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà được quy định tại Phụ lục C TCVN 3890-2023 “Phòng cháy chữa cháy – Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình – Trang bị, bố trí”. Theo hướng dẫn tại văn bản số 2075/C07-P4 ngày 09/8/2022 của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH – Bộ Công an và QCVN 06:2022/BXD, tại khu công nghiệp, khu đô thị đã có hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà mà khoảng cách từ trụ cấp nước chữa cháy < 200m thì không phải thiết kế hệ thống cấp nước chữa cháy riêng cho công trình. Trường hợp lớn hơn 200 m thì cần thỏa thuận với ban quản lý khu công nghiệp hoặc các giải pháp để đảm bảo khách cách từ trụ nước đến công trình không quá 200 m. Khi lưu lượng chữa cháy ngoài nhà của công trình có yêu cầu lớn hơn của hạ tầng có sẵn thì cần thiết kế bổ sung lưu lượng chữa cháy ngoài nhà để đảm bảo theo 3890:2023. Trường hợp dự án, công trình có diện tích từ 5 ha trở lên, phải lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật (trong đó có hạ tầng về giao thông, hạ tầng về cấp nước).
Trường hợp công trình đã được thẩm duyệt nghiệm thu về PCCC không thay đổi công năng, tính chất, quy mô theo hồ sơ thiết kế đã được duyệt thì không cần phải thẩm duyệt thiết kế theo các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. – Trường hợp có điều chỉnh, cải tạo ảnh hưởng đến các yêu cầu về PCCC quy định tại điểm b Khoản 5 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì các nội dung trong phạm vi điều chỉnh, cải tạo phải được thiết kế bảo đảm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mới ban hành và thực hiện thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC.
Theo quy định tại Chú thích 6: Không quy định giới hạn chịu lửa của tường ngoài không chịu lực đối với các mặt nhà đồng thời thoả mãn các điều kiện sau: – Toàn nhà được trang bị chữa cháy tự động sprinkler Theo TCVN 7336; – Bảo đảm khoảng cách phòng cháy chống cháy tối thiểu tương ứng với 100 % diện tích tường ngoài không cần bảo vệ chống cháy tại E.3, Phụ lục E; – Tường ngoài không chịu lực của nhà có cấp nguy hiểm cháy K0. Vật liệu hoàn thiện tường ngoài (nếu có) là vật liệu không cháy hoặc có tính cháy không thấp hơn Ch1 và tính lan truyền cháy không thấp hơn LT1. Do đó ngoài việc đảm bảo khoảng cách phòng cháy chống cháy tại bảng E3 thì vẫn phải bảo đảm đồng thời thoả mãn các điều kiện quy định tại chú thích 6.
Căn cứ theo mục D.8 QCVN 06:2022/BXD: Để thoát khói trực tiếp cho các gian phòng và hành lang của nhà một tầng có thể áp dụng hệ thống hút xả khói theo cơ chế cưỡng bức, hoặc theo cơ chế tự nhiên thông qua các giếng (ống) thu khói với van khói, thông qua các cửa nắp hút khói, hoặc thông qua các cửa trời mở và không đón gió vào. CHÚ THÍCH 1: Hệ thống hút xả khói theo cơ chế cưỡng bức là hệ thống hút xả khói, trong đó lực hút khói ra ngoài được tạo ra và duy trì bởi quạt hút. CHÚ THÍCH 2: Hệ thống hút xả khói theo cơ chế tự nhiên là hệ thống hút xả khói, trong đó khói tự thoát ra ngoài nhà qua các lỗ mở trên kết cấu bao che của nhà theo các định luật vật lý tự nhiên. Trong các nhà nhiều tầng cần sử dụng hệ thống hút xả khói theo cơ chế cưỡng bức. Cho phép sử dụng hệ thống hút xả khói theo cơ chế tự nhiên đối với tầng trên cùng của nhà nhiều tầng, thông qua van khói, cửa nắp hút khói, hoặc các cửa trời mở, cửa chớp mở và không đón gió vào. Đối với nhà một tầng và tầng trên cùng của nhà nhiều tầng, cho phép sử dụng thông gió tự nhiên khi có cháy thay cho hệ thống hút xả khói khi bảo đảm các điều kiện sau: – Có tính toán thoát khói phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng, với các điều kiện bất lợi nhất đối với thoát khói (về nhiệt độ không khí bên ngoài, vận tốc gió bên ngoài, vị trí đám cháy, vị trí và tình trạng mở của các ô cửa và các yếu tố khác). Trong tính toán, biên dưới của lớp khói phải không thấp hơn 2 m tính tới mặt sàn cao nhất có thể đi bộ được trong hành lang hay gian phòng đang xét. – Các ô cửa, cửa trời được kể đến trong tính toán thoát khói phải luôn mở, hoặc tự động mở khi có cháy và phải đảm bảo có thể điều khiển mở từ xa bởi con người. Diện tích mở của các ô cửa, cửa trời khi có cháy phải phù hợp với tính toán. b) Yêu cầu về hút xả khói khi có cháy được quy định tại Mục D.2 QCVN 06:2022/BXD, và không áp dụng các trường hợp hút xả khói khi đáp ứng yêu cầu tại Mục D.3 QCVN 06:2022/BXD.
Quyết định số 641/QĐ-TTg đã ký ngày 05/06/2023 chỉ là Phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC trong đó có lĩnh vực về PCCC; nội dung của Quyết định ghi rõ điều kiện cần thực thi là phải sửa đổi Nghị định 136/2020/NĐ-CP hoặc sửa đổi Luật PCCC mới có tính thực thi.
1. Các công trình đã được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo tiêu chuẩn cũ, nếu không có điều chỉnh, cải tạo ảnh hưởng đến các yêu cầu về PCCC thì không yêu cầu điều chỉnh theo quy định của tiêu chuẩn mới. Trường hợp có điều chỉnh, cải tạo ảnh hưởng đến các yêu cầu về PCCC quy định tại Điều 11 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 thì các nội dung trong phạm vi điều chỉnh, cải tạo cần được thiết kế phù hợp với các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn mới ban hành, khu vực không điều chỉnh thì được giữ nguyên theo tiêu chuẩn đã được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC. Trường hợp điều chỉnh mặt bằng bố trí công năng, dây chuyền công nghệ mà không làm thay đổi hạng nguy hiểm cháy, nổ, giữ nguyên các thông số chính của hệ thống được tính toán theo tiêu chuân cũ thì được xem xét giữ nguyên hệ thống cũ.
2. Đối với công trình thuộc phạm vi điều chỉnh phải áp dụng QCVN 02:2020/BCA QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ TRẠM BƠM NƯỚC CHỮA CHÁY thì khi thiết kế lựa chọn Lưu lượng và cột áp của bơm nước chữa cháy căn cứ Điều 2.2.2, cụ thể: – Lưu lượng lớn nhất của máy bơm nước chữa cháy không được nhỏ hơn 150% lưu lượng thiết kế. – Cột áp của máy bơm nước chữa cháy ứng với lưu lượng thiết kế không được nhỏ hơn cột áp thiết kế. – Cột áp của máy bơm nước chữa cháy ứng với lưu lượng bằng không (shutoff pressure) phải trong phạm vi từ 101% đến 140% cột áp thiết kế. – Cột áp của máy bơm ứng với 150% lưu lượng thiết kế không được nhỏ hơn 65% cột áp thiết kế.
Đối với yêu cầu như trên, hiện nay chưa có quy định nào về hệ thống báo cháy tự động điều khiển ngắt nguồn lưới điện cấp cho các hệ thống điện sinh hoạt, các hệ thống điện không ưu tiên cho PCCC. Có thể sử dụng hệ thống báo cháy để tác động hoặc sử dụng bằng con người. Tuy nhiên, tại mục A.2 Nhà (có chiều cao PCCC từ trên 50 m đến 150 m) thuộc nhóm F1.2, F4.2, F4.3 và nhà hỗn hợp Mục A.2.28.1 Điện cấp cho các hệ thống thiết bị kỹ thuật nêu dưới đây phải bảo đảm duy trì sự làm việc của các thiết bị đó trong thời gian không ít hơn 3 giờ kể từ khi có cháy và phải được lấy từ 2 nguồn cấp độc lập: – Thang máy chữa cháy; – Các thiết bị của hệ thống bảo vệ chống cháy; – Hệ thống báo cháy tự động và hướng dẫn thoát nạn; – Các thiết bị của hệ thống chữa cháy tự động và cấp nước chữa cháy; – Các thiết bị bảo vệ chống cháy cho hệ thống thiết bị kỹ thuật; – Các trang thiết bị phục vụ cứu hộ – cứu nạn. Do đó, để có thể duy trì sự ổn định làm việc của các hệ thống trên thì cần kết nối liên động giữa hệ thống báo cháy tự động và các hệ thống PCCC của tòa nhà.
Các phần nhà và các gian phòng thuộc các nhóm nguy hiểm cháy theo công năng khác nhau phải được ngăn cách với nhau bằng các bộ phận ngăn chia với giới hạn chịu lửa và cấp nguy hiểm cháy kết cấu theo quy định hoặc ngăn cách nhau bằng vách ngăn cháy loại 1 và/hoặc sàn ngăn cháy loại 3. Đối với một tầng nhà có từ hai công năng khác nhau trở lên, trong đó có một công năng chính chiếm tối thiểu 90% diện tích sàn tầng và các công năng còn lại là phụ trợ cho công năng chính, cho phép không cần phân chia các khu vực thuộc các nhóm nguy hiểm cháy theo công năng khác nhau bằng bộ phận ngăn cháy, khi đó toàn bộ tầng nhà này phải tuân thủ các yêu cầu an toàn cháy tương ứng với nhóm nguy hiểm cháy theo công năng chính. Quy định này không áp dụng cho trường hợp các gian phòng với công năng phụ trợ có hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ cao hơn các gian phòng với công năng chính.
Đặt ngoài nhà thì trạm bơm phải có bậc chịu lửa III (Đ 7.3 TCVN 4513:1988). Các trạm bơm được đặt trong các nhà độc lập hoặc ngoài nhà hoặc trong một phòng riêng biệt ở tầng 1 hoặc tầng hầm trên cùng. Cho phép đặt trạm bơm nước chữa cháy tại các tầng nổi khác của nhà khi phòng đặt bơm có cửa ra thông với buồng đệm thang thoát nạn của nhà qua hành lang được bảo vệ bằng kết cấu ngăn cháy loại 1 (Điều 5.8.5 TCVN 7336:2021).
Căn cứ theo Mục 6, bảng A.2 TCVN 3890:2023 để xem xét việc có cần phải lắp bổ sung hệ thống báo cháy phía trên không gian trần treo.
Trường hợp chủ đầu tư thay đổi giải pháp bọc bảo vệ chống cháy kết cấu của công trình mà không thay đổi bậc chịu lửa của công trình thì có thể gửi công văn lên Cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH đề nghị thẩm duyệt điều chỉnh đối với hạng mục cần thay đổi.
Mục 2.4 của Công văn số 1091/C07-P3,P4,P7 ngày 11/4/2023 của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH – Bộ Công an có nêu: “Mẫu kết cấu, cấu kiện sau khi được cấp giấy chứng nhận kiểm định được sử dụng làm mẫu để sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường”. Do đó, không yêu cầu cấp giấy chứng nhận kiểm định mẫu kết cấu được bọc bảo vệ bằng các chất hoặc vật liệu chống cháy; mẫu cấu kiện ngăn cháy theo từng dự án, công trình. Các chủ đầu tư có thể tự do lựa chọn các phương tiện PCCC được nhà sản xuất công bố đã được thử nghiệm, kiểm định mẫu đạt chất lượng theo quy định. Trường hợp này đã và đang được áp dụng.
Theo Điều 5 của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng: Điều 5. Phân loại dự án đầu tư xây dựng Dự án đầu tư xây dựng được phân loại theo quy định tại Điều 49 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 8 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14, được quy định chi tiết nhằm quản lý các hoạt động xây dựng theo quy định tại Nghị định này như sau: 1. Theo công năng phục vụ của dự án, tính chất chuyên ngành, mục đích quản lý của công trình thuộc dự án, dự án đầu tư xây dựng được phân loại theo quy định tại Phụ lục IX Nghị định này. 2. Theo nguồn vốn sử dụng, hình thức đầu tư, dự án đầu tư xây dựng được phân loại gồm: dự án sử dụng vốn đầu tư công, dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP và dự án sử dụng vốn khác. Dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn hỗn hợp gồm nhiều nguồn vốn nêu trên được phân loại để quản lý theo các quy định tại Nghị định này như sau: a) Dự án sử dụng vốn hỗn hợp có tham gia của vốn đầu tư công được quản lý theo quy định của dự án sử dụng vốn đầu tư công; dự án PPP có sử dụng vốn đầu tư công được quản lý theo quy định của pháp luật về PPP; b) Dự án sử dụng vốn hỗn hợp bao gồm vốn nhà nước ngoài đầu tư công và vốn khác: trường hợp có tỷ lệ vốn nhà nước ngoài đầu tư công lớn hơn 30% hoặc trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư thì được quản lý theo các quy định đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công; trường hợp còn lại được quản lý theo quy định đối với dự án sử dụng vốn khác. 3. Trừ trường hợp người quyết định đầu tư có yêu cầu lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, dự án đầu tư xây dựng công trình chỉ cần yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng gồm: a) Dự án đầu tư xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo; b) Dự án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất); c) Dự án đầu tư xây dựng có nội dung chủ yếu là mua sắm hàng hóa, cung cấp dịch vụ, lắp đặt thiết bị công trình hoặc dự án sửa chữa, cải tạo không ảnh hưởng đến an toàn chịu lực công trình có giá trị chi phí phần xây dựng dưới 10% tổng mức đầu tư và không quá 05 tỷ đồng (trừ dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư). * Cần xem xét là khi lập dự án giai đoạn đầu thuộc 1 bước hay 2 bước.
Công trình như nêu trên đã được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC theo quy định, khi cải tạo một số khu vực bên trong nhà xưởng như đóng vách ngăn chia làm nhiều phòng nhỏ có trần nếu không làm thay đổi quy mô, công năng chính của nhà thì có thể áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn cũ để thiết kế. Trường hợp bố trí các gian phòng có công năng khác nhau bên trong nhà xưởng thì phải xem xét đến giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan theo quy định tại Quy chuẩn 06/BXD.
Thành phần hồ sơ thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật theo quy định tại Điểm d, Khoản 4, Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP. Đối với trường hợp thẩm duyệt thiết kế điều chỉnh như trên, chỉ cần cung cấp bản sao có chứng thực giấy chứng nhận thẩm duyệt, bản vẽ thiết kế đã được thẩm duyệt của công trình xin phép điều chỉnh thiết kế.
Thành phần hồ sơ nghiệm thu về PCCC theo quy định tại Khoản 2, Điều 15 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, trong đó không yêu cầu các văn bản nêu trên.
Cần xác định là hồ sơ năng lực của đơn vị thi công xây dựng hay các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến đơn vị thi công xây dựng đối với hồ sơ nghiệm thu về PCCC. Đối với thành phần hồ sơ nghiệm thu về PCCC quy định tại Khoản 2, Điều 15 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, trong đó đơn vị thi công xây dựng cần lưu ý: Văn bản nghiệm thu hoàn thành các hạng mục về xây dựng liên quan đến PCCC (bao gồm bản vẽ hoàn công về xây dựng phù hợp với hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt), phải có xác nhận của đơn vị thi công xây dựng, đơn vị tư vấn giám sát về xây dựng và chủ đầu tư.